Công ty đóng tàu Ulstein của Na Uy vừa lên ý tưởng thiết kế cho một tàu cung ứng, nghiên cứu và cứu hộ – mang tên Thor. Đây là con tàu chứa một lò phản ứng muối nóng chảy và được sử dụng như một bộ nguồn di động/trạm sạc điện cho các tàu du lịch mới chạy bằng pin.
Tàu Thor có chiều dài lên tới 149 mét với sân trực thăng, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cần cứu hộ, tàu ứng tác, các xe tự hành chạy trên bề mặt và máy bay không người lái, cần cẩu, phòng thí nghiệm và hội trường.
Lò phản ứng muối nóng chảy (MSR) sử dụng nhiên liệu hòa tan trong muối fluoride hoặc chloride nóng chảy, có chức năng vừa là nhiên liệu (tạo ra nhiệt) vừa là chất làm mát (chuyển nhiệt đi và cuối cùng là đến thiết bị sản xuất điện). Có một số ý tưởng thiết kế MSR khác nhau đồng nghĩa với những thách thức trong việc thương mại hóa, đặc biệt là với thorium (để tạo ra uranium-233 phân hạch). Để chứng minh tính khả thi của tàu Thor, Công ty đóng tàu Ulstein cũng đã phát triển thêm tàu Sif, một con tàu thám hiểm dài 100 mét, không phát thải khí nhà kính. Với sức chứa lên đến 80 hành khách và 80 thủy thủ đoàn, tàu Sif có thể đảm nhận các chuyến du hành thám hiểm không phát thải, không có tiếng ồn đến các khu vực xa xôi, bao gồm cả vùng biển Bắc Cực và Nam Cực. Con tàu này sẽ chạy bằng pin thế hệ tiếp theo, sử dụng Thor để sạc khi ở trên biển.
Ulstein tiết lộ khả năng cung cấp điện của Thor có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của bốn tàu du hành thám hiểm cùng một lúc. Bản thân Thor sẽ không bao giờ cần tiếp nhiên liệu. Vì vậy, Thor dự định cung cấp bản thiết kế chi tiết cho các loại tàu hoàn toàn tự sạc điện trong tương lai.
Thiết kế trưởng của Ulstein, ông Øyvind Kamsvåg cho biết: “Ở đây chúng tôi kết hợp hai ý tưởng trong một để có nguồn nguyên liệu sạch hơn, an toàn và bền vững hơn cho các chủ sở hữu và người điều hành tàu du lịch chứ không đề cập đến hàng hải nói chung. Thor và Sif chứng minh những gì có thể xảy ra khi tiếp cận với những thách thức từ một hướng mới”.
Công ty Ulstein đã nói về Thor rằng: “có khả năng biến tầm nhìn về các tàu thuyền hoạt động không phát thải khí nhà kính thành hiện thực” và có thể là “mảnh ghép còn thiếu của câu hỏi ứng dụng không phát thải cho ngành hàng hải và đại dương”.
Giám đốc điều hành Ulstein, bà Cathrine Kristiseter Marti cho biết: “Chúng tôi có các mục tiêu, tham vọng về các vấn đề môi trường nên buộc phải chuyển sang các hoạt động không phát thải, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có giải pháp. Chúng tôi tin rằng Thor có thể là câu trả lời mà chúng tôi đang tìm kiếm. Về cơ bản, Thor là một ‘trạm năng lượng’ nổi, đa năng sẽ kích hoạt một cuộc cách mạng pin mới”.
Các tàu du lịch thám hiểm hoạt động ở các khu vực với phạm vi ngày càng xa và có thể gây ra những tác động xấu ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, điều này cũng khiến cho ngành công nghiệp phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các bên liên quan để bảo tồn thiên nhiên và nghiêm cấm các tác động môi trường của du lịch trên biển. Thor cho phép bổ sung năng lượng và nguồn cung cấp tại chỗ, đồng thời cũng rất tự tin về công nghệ để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ cũng như thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. Trên thực tế, đó là một phần cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ các hoạt động bền vững và an toàn hơn.
Ông Lars Ståle Skoge, Giám đốc Thương mại của Ulstein Design & Solutions AS chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất tin tưởng vào giải pháp này và muốn tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận nhằm chia sẻ về cách chúng tôi có thể tạo ra những thay đổi cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thế giới”.
Vào tháng 11 năm 2020, một nhóm đa quốc gia bao gồm Core Power (UK) Ltd, Southern Company, TerraPower và Orano USA đã đăng ký tham gia các giải thưởng giảm thiểu rủi ro chia sẻ chi phí trong Chương trình Thử nghiệm Lò phản ứng Tiên tiến của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhằm xây dựng một phương án cho một lò phản ứng di động trên biển, có quy mô mại trung bình dựa trên công nghệ của MSR.
Vào tháng 3 năm 2021, Earth 300 (A Gbobal Environmental Multidisciplinary Initiative), đã đưa ra ý tưởng cho một con tàu nghiên cứu chạy bằng MSR, dài 300 mét, được trang bị 22 phòng thí nghiệm tiên tiến với 160 nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người sẽ thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng thiết bị công nghệ của con tàu và hàng nghìn cảm biến tích hợp, bao gồm cả máy tính lượng tử thương mại đầu tiên trên đại dương, phối hợp làm việc cùng nhau để đưa ra các giải pháp nhanh chóng, sâu rộng cho thị trường.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế của Liên hợp quốc đã quy định rằng vận tải biển phải giảm 50% tổng lượng khí thải năm 2008, trước năm 2050.
Biên dịch: Nguyễn Thị Thu Hà, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học