Tỷ lệ những người dân ở Liên minh châu Âu (EU) phản đối công nghệ hạt nhân đã giảm đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi tổ chức tư vấn Hungary Századvég Foundation, tỉ lệ số người phản đối năng lượng hạt nhân đã giảm xuống còn 15% so với mức 26% vào 2021.
Sau một loạt cảnh báo của các tổ chức chuyên nghiệp, cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy một thực tế rằng nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ và ít khí thải đóng vai trò vô cùng quan trọng ở Châu Âu. Tuy nhiên vẫn có một số nhà chức trách phương Tây tiếp tục theo đuổi lập trường “chống hạt nhân” đồng thời thúc đẩy việc đóng cửa các nhà máy hiện có và ngăn chặn các khoản đầu tư mới.
Sự thay đổi của dư luận đối với việc ủng hộ năng lượng hạt nhân đã tăng đáng kể trong năm ngoái. Tỷ lệ những người cho rằng công nghệ này sẽ chiếm phần lớn sản lượng điện của quốc gia đã tăng từ 26 lên 40%. Trong khi đó, tỉ lệ những người đưa ra ý kiến chung lập vẫn duy trì ở mức 35% và tỷ lệ những người phản đối đã giảm xuống còn 15% (so với 26% trước đó).
Tổ chức Századvég còn tiết lộ sự thay đổi còn ấn tượng hơn. Nếu vào năm 2016, 41% số người được phỏng vấn từ chối sử dụng công nghệ hạt nhân và chỉ có 15% số người ủng hộ, thì hiện tại tỷ lệ số người dân ủng hộ điện hạt nhân đã tăng lên 40% và số người phản đối lại giảm xuống chỉ còn 15%.
Báo cáo của tổ chức cũng cho biết số lượng quốc gia thành viên EU ủng hộ “chống hạt nhân” vẫn giữ vị trí tương đối trong bảng xếp hạng, nhưng mức độ “từ chối” ở các quốc gia này lại giảm đáng kể trong năm qua (từ 57% xuống 47%) với ví dụ điển hình nhất là Đức – nơi chiến dịch chống điện hạt nhân đã kéo dài hàng thập kỷ. Hiện nay ở quốc gia này tỷ lệ những người từ chối công nghệ hạt nhân đã giảm mạnh chỉ trong vòng sáu năm.
Đức đã quyết định ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, và giữ vững lập trường của mình ngay cả trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên khác, vào tháng 9 năm nay chính phủ Đức ra thông báo hai nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở quốc gia này sẽ lùi thời gian đóng cửa vào tháng 4 năm 2023, thay vì vào cuối năm nay như thông báo trước đó.
Tương tự, ở Bỉ, cái gọi là “luật Deleuze năm 2003” đã đặt nền móng cho việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân ở nước này. Theo kế hoạch ban đầu của chính phủ, các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025. Nhưng cuối cùng, do chiến tranh Nga-Ukraine dẫn đến giá năng lượng tăng cao, chính phủ Bỉ đã quyết định kéo dài tuổi thọ của lò phản ứng Doel 4 và Tihange 3 trong mười năm cho đến năm 2035 để đảm bảo an ninh năng lượng.
Biên dịch: Trần Thiện Phương Anh, Ban KH&QLKH.