Hàn Quốc đề xuất lệnh cấm đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài

845

Dự luật mới được cho là sẽ cấm các doanh nghiệp nhà nước của Hàn Quốc đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Trước mắt có thể thấy dự án đã được lên kế hoạch ở Việt Nam có khả năng phải tạm dừng vô thời hạn, và với những thỏa thuận sắp chính thức được công nhận thì cơ hội cho các dự án này đang trôi qua nhanh chóng.

 

Nhà máy nhiệt điện than (Ảnh: ShutterOK qua Shutterstock)

 

Vào thứ Ba (28/7) vừa qua, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất một dự luật nhằm chấm dứt những tranh cãi đối với các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài bằng những dẫn chứng chỉ ra rằng chi phí đầu tư vào năng lượng sạch đang giảm mạnh ở các quốc gia kéo theo rủi ro về tài chính và uy tín của các công ty liên doanh chuyên cung cấp than trong cuộc chiến giải quyết khủng hoảng khí hậu.

 

Bốn dự thảo luật được đưa ra nhằm hạn chế các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ở các nước Đông Á đầu tư vào những dự án nhiệt điện than theo cam kết “Thỏa thuận Xanh” của Đảng Dân chủ Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in đưa ra trước cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng Tư.

 

Bên cạnh việc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, một loạt chính sách được áp dụng không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn góp phần đưa quốc gia vốn được biết đến với lượng khí thải nhà kính lớn thứ bảy trên thế giới phát triển theo hướng không phát thải các-bon. Tuy nhiên, kể từ sau chiến thắng vang dội của đảng cầm quyền, câu hỏi “Thỏa thuận Xanh sẽ đi về đâu?” trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết bởi những điều khoản trong thỏa thuận vẫn tiếp tục là đề tài gây trang cãi.

 

Đạo luật mới được đề xuất sẽ hạn chế tối đa các khoản đầu tư vào điện than, bởi tất cả các công ty liên doanh khác thác nhiên liệu hóa thạch có vốn đầu tư Hàn Quốc đều thuộc sở hữu của các quỹ tài chính công và các công ty nhà nước, bao gồm Công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Tổng công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc.

 

Ông Sejong Youn, giám đốc tổ chức Giải pháp Khí hậu (SFOC) có trụ sở tại Seoul cho rằng mặc dù chính phủ có thể can thiệp vào các quyết định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, nhưng chưa có một dự luật nào cấm các nhà lãnh đạo đầu tư vào các công ty kinh doanh than.

 

Hàn Quốc là một trong những nước công khai ủng hộ nhiên liệu hóa thạch nên nếu được thông qua, dự luật sẽ hạn chế nguồn viện trợ của các dự án điện than trên toàn thế giới. Đề xuất được đưa ra một tháng sau khi Nhật Bản thắt chặt các điều kiện hỗ trợ điện than ở nước ngoài với cam kết chỉ tài trợ cho các nhà máy điện sử dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao và đầu tư chỉ khi các nước tiếp nhận cam kết thực hiện được mục tiêu khử các-bon dài hạn.

 

Giữa những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, áp lực đang đè nặng lên các công ty và chính phủ trong việc loại bỏ than đá, nguồn nhiên liệu hóa thạch được so sánh là “bẩn nhất thế giới”. Nhiều công ty tài chính quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề nóng lên toàn cầu để bảo vệ lợi ích của họ. Trong báo cáo Banking on Climate Change 2020 được được phát hành bởi tổ chức Rainforest Action Network cho thấy 26 trong số 35 ngân hàng lớn trên thế giới được phân tích đã công bố các chính sách tài chính nhằm hạn chế đầu tư vào than.

 

Trong một tuyên bố, ông Kim Sung-hwan, thành viên của Hạ viện cho biết: “Các nước trên thế giới đang ưu tiên loại bỏ than để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu các tổ chức tài chính công không tuyên bố loại bỏ than, Quốc hội sẽ ra lệnh cấm đối với các khoản đầu tư đó thông qua việc sửa đổi luật pháp”.

 

Theo ủy viên Woo Won-shik, người đề xuất thay đổi Đạo luật Ngân hàng xuất nhập khẩu của nước này cho biết: “Trong số các nước OECD, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia duy nhất đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài, đồng thời Hàn Quốc luôn được mệnh danh là “kẻ đóng vai phản diện” khi đã bỏ qua những nỗ lực chống biến đổi khí hậu”.

 

Ông nói thêm: “Đẩy mạnh chính sách trong Thỏa thuận Xanh là cách duy nhất để ngăn các khoản đầu tư vào điện than ở nước ngoài và cũng để Hàn Quốc thoát khỏi cái mác “kẻ phản diện” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

 

Xét về khả năng Quốc hội Hàn Quốc thông qua các dự luật được đề xuất, người đứng đầu tổ chức Giải pháp Khí hậu cho biết: “Hiện tại vẫn chưa rõ liệu các dự luật có được thông qua chính thức trở thành luật pháp hay không. Tuy nhiên loại bỏ dần các khoản đầu tư vào nhà máy điện than ở nước ngoài là một phần trong cam kết Thỏa thuận Xanh. Các nhà lập pháp vẫn luôn lưu tâm đến đề xuất, nhưng vẫn chưa thể xác định thời gian họ sẽ bỏ phiếu cho vấn đề này”.

 

Đề xuất này được đưa ra sau thông báo Tập đoàn Kepco sẽ hỗ trợ dự án nhiệt điện than Jawa 9 & 10 với công suất lên đến 2.000 megawatt (MW), nằm gần thủ đô Jakarta của Indonesia, bất chấp những cảnh báo dự án này có thể gây thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư. Quyết định của Kepco không chỉ nhận về vô số những chỉ trích từ phía người dân mà còn dẫn đến các cuộc tranh luận gay gắt trong chính phủ.

 

Mặc dù các dự án điện than mới phải tạm dừng, nhưng luật mới sẽ không có hiệu lực hồi tố. Điều này có nghĩa là không thể vô hiệu hóa những giao dịch mà các công ty hoặc ngân hàng đã kí kết, do đó dự án nhà máy điện Jawa đã được ban giám đốc của Kepco thông qua vẫn có khả năng tiếp tục khi các công ty đã hoàn tất các hợp đồng.

 

Tuy nhiên đối với dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 với công suất 1200 MW ở tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) mà Kepco cũng tham gia, hiện vẫn chưa thể nói trước liệu Kepco có thể niêm yết thỏa thuận trước khi luật mới được thông qua hay công ty sẽ chấp nhận rút lui. Nhưng với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án này đã hoàn thành và những nỗ lực tích cực thúc đẩy thương vụ này của Kepco, cơ hội thực hiện dự án luôn trong tầm tay.

 

Biên dịch: Trần Thiện Phương Anh, Ban KH&QLKH