Chính nỗi sợ năng lượng hạt nhân đã gây hại cho môi trường như thế nào?

2690

Các nhà hoạt động môi trường đã chuyển hướng từ các nguồn năng lượng tái tạo sang năng lượng nguyên tử. Nhà môi trường học nổi tiếng người Mỹ Michael Schellenberger – người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Breakthrough Institute và Environmental Progress, tác giả của các cuốn sách bán chạy nhất “The Death of Environmentalism” và “Love your monsters” giải thích lý do trong bài phát biểu thu hút 1,6 triệu lượt xem và được dịch ra 24 thứ tiếng. Khi ông Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông là một trong những nhà bảo vệ môi trường định hình chính sách năng lượng tái tạo của Mỹ. Sau đó, ông đã đánh giá nghiêm túc các sáng kiến mà ông là người ủng hộ và xem xét lại triệt để quan điểm của mình. Schellenberger hiện là người ủng hộ năng lượng hạt nhân và thường xuyên nói chuyện trên các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ với những lời chỉ trích về chương trình nghị sự về môi trường mà các chính trị gia và tập đoàn theo đuổi. Trong bài phát biểu với tên gọi “Chính nỗi sợ năng lượng hạt nhân đã gây hại cho môi trường như thế nào” trên diễn đàn TED (ideas worth spreading) vào năm 2016, Michael Schellenberger cho biết lý do tại sao nhận thức về năng lượng hạt nhân có khả năng gây hại nguy hiểm nhất cho hành tinh hơn chính các nhà máy điện hạt nhân. Sau đây là những luận điểm chính của bài phát biểu (dữ liệu cập nhật năm 2020).

 

Cán cân các nguồn năng lượng thay đổi không đáng kể

 

Trong 20 năm qua, tỷ trọng năng lượng sạch đã tăng gấp đôi. Đây là nguồn năng lượng thu được từ các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường – thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, thủy triều, năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, tỷ trọng của nó trong trong tổng cơ cấu năng lượng được sản xuất vẫn giữ nguyên và thậm chí giảm nhẹ – từ 36% vào năm 1999 xuống còn 35% vào năm 2018.

Thực tế là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang phát triển nhanh hơn ngành năng lượng sạch. Nhiều nước còn nghèo (chậm phát triển) vẫn sử dụng củi, phân và than làm nhiên liệu chính.

Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong 20 năm qua đã tăng lên – từ 1% đến 9% vào năm 2018, còn các nhà máy điện hạt nhân thì ngược lại, đã đóng cửa – tỷ trọng của nguồn năng lượng này đã giảm từ 17% xuống còn 10% so với cùng kỳ. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió thì không ổn định và chỉ có thể thu được từ 10 – 30% thời gian, khi mặt trời chiếu sáng đủ và có gió thổi. Trong khi đó các bệnh viện, nhà cửa, thành phố và nhà máy thì cần năng lượng mọi lúc. Và mặc dù gần đây pin đã được cải thiện đáng kể, nhưng lại không hiệu quả như lưới điện. Mỗi lần sạc và xả pin, chúng ta mất khoảng 20 – 40% năng lượng. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã nghiên cứu hàm lượng thải CO2 trong tất cả các loại nhiên liệu, thì năng lượng hạt nhân hóa ra là một trong những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường nhất. Đồng thời, một nhà máy điện hạt nhân có thể được vận hành với 92% thời gian.

 

Tại sao chúng ta sợ các nhà máy điện hạt nhân?

 

Năng lượng hạt nhân dường như là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên tồn tại một vấn đề lớn – mọi người không ưa thích năng lượng hạt nhân. Theo cuộc thăm dò của Công ty Ipsos năm 2014, năng lượng hạt nhân là một trong những loại hình năng lượng ít phổ biến. Chỉ có 28% số người được hỏi ưa thích loại hình năng lượng hạt nhân. Thậm chí đối với dầu mỏ, tỉ lệ đánh giá cũng tốt hơn (30%). Hầu hết mọi người tin tưởng năng lượng mặt trời (85%) và năng lượng gió (78%). Nỗi sợ năng lượng hạt nhân có liên quan đến ba yếu tố – khả năng rò rỉ, vấn đề chôn cất chất thải và mối liên quan tới vũ khí hạt nhân.

 

Các nước đang phát triển mạnh nhất gồm Ấn Độ và Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, trong khi ở các nước phát triển có sự cắt giảm về năng lượng hạt nhân. Theo đánh giá của Schellenberger, vì nỗi sợ về năng lượng hạt nhân này, thế giới có thể sẽ đánh mất năng lượng sạch gấp bốn lần so với số lượng đã mất trong mười năm qua.

 

Liệu rằng có thể làm năng lượng hạt nhân trở nên an toàn hơn nữa?

 

Thật khó để làm cho năng lượng hạt nhân an toàn hơn nữa so với mức độ an toàn đang có của nó tại thời điểm hiện tại. Theo nghiên cứu của một trong những tạp chí y học lớn nhất – Lancet, Năng lượng hạt nhân là an toàn nhất trong số tất cả các nguồn năng lượng khác. Nó an toàn hơn so với tua-bin điện gió và các tấm pin mặt trời. Sau khi xem xét dữ liệu của các sự cố ở Fukushima và Chernobyl, WHO (Tổ chức y tế thế giới) phát hiện ra rằng phần lớn thiệt hại là do hoảng loạn. Liên hợp quốc đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện về thảm họa Chernobyl. Vụ nổ Chernobyl là tai nạn tồi tệ nhất trong số tất cả sự cố hạt nhân. Kết quả là 28 người chết vì hội chứng bức xạ cấp tính và 15 người khác chết vì ung thư tuyến giáp trong 25 năm tiếp theo; 16 nghìn người đã bị bệnh ung thư tuyến giáp sau thảm họa Chernobyl: ước tính khoảng 160 người trong số họ sẽ chết vì loại ung thư này. Tai nạn hạt nhân ở Fukushima đứng thứ hai về mức độ nghiêm trọng của hậu quả. Sự phát xạ bức xạ ít hơn nhiều so với những gì diễn ra ở Chernobyl. Không có trường hợp tử vong do phơi nhiễm sau sự cố Fukushima. Khoảng 1,5 nghìn người bị chết sau khi họ được chuyển đi sơ tán ra khỏi viện dưỡng lão và bệnh viện. Lý do là những người này đã bị phơi nhiễm một lượng lớn phóng xạ chỉ vì họ được sơ tán, chuyên chở đi trên một khoảng cách quá dài ở bên ngoài. Vì thế, hậu quả thương vong do tai nạn hạt nhân vừa nêu trên là kết quả của sự hoảng loạn, chứ không vì mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

 

 Đối với cư dân tại những đô thị lớn như London, Berlin hay New York, nguy cơ tử vong tăng 2,8% do ô nhiễm không khí. Còn đối với những người sống bên cạnh những người hút thuốc, tỷ lệ này tăng 1,7%. Đối với những người đã tham gia khắc phục sự cố trong tai nạn Chernobyl, họ đã nhận liều phóng xạ 250 mSv, và tỷ lệ nguy cơ tử vong chỉ tăng thêm 1%. Nhà nghiên cứu khí hậu James Hansen đã đưa ra kết luận: ngành năng lượng nhiên liệu hóa thạch sản sinh lượng khí thải độc, gây hiệu ứng nhà kính và khiến 7 triệu người chết mỗi năm. Vì vậy, việc cắt giảm sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng hạt nhân đã cứu mạng sống của hơn 1,8 triệu người.

 

Còn vấn đề chất thải?

 

Trên thực tế có rất ít chất thải từ năng lượng hạt nhân. Nếu lấy toàn bộ chất thải hạt nhân trong chiều dài lịch sử của nước Mỹ thì lượng chất thải này chỉ lấp đầy một sân bóng đá với chiều cao 6 mét. Đồng thời, chất thải được lưu trữ trong các thùng chứa đặc biệt được cách ly và được theo dõi liên tục. Ngoài ra, công nghệ tái chế chất thải phóng xạ đang được nghiên cứu phát triển để tái sử dụng làm nhiên liệu.

 

Vấn đề vũ khí thì sao? Không có một quốc gia nào trên thế giới có nền công nghiệp hạt nhân lại đột ngột bắt đầu tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân. Thực tế, trình tự trên được tiến hành ngược lại. Và, cách duy nhất được biết để loại bỏ một số lượng lớn vũ khí hạt nhân là sử dụng Plutonium từ các đầu đạn làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân./.

 

Phạm Khắc Tuyên, Nguyễn Tấn Lực, Trương Văn Khánh Nhật – VINATOM